Sự kiện Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 của Công ty CP BP Solar chính thức hòa vào lưới điện quốc gia (ngày 20/1/2019) đã thật sự mở ra một trang mới cho ngành năng lượng tỉnh Ninh Thuận.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 30 dự án với điện mặt trời với tổng công suất 1.938,17 MW được cấp phép đầu tư. Trong đó, 18 dự án đã khởi công, 16 dự án đã triển khai xây dựng với cam kết hoàn thành trong năm 2019; 19 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện PPA, với tổng cộng 1.002,9MW. Về dự án điện gió, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án, với tổng công suất 798,75MW, trong đó có 3 dự án đi vào hoạt động là điện gió Đầm Nại, điện gió Trung Nam và điện gió Mũi Dinh.
Sự kiện Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 của Công ty CP BP Solar chính thức hòa vào lưới điện quốc gia (ngày 20/1/2019) đã thật sự mở ra một trang mới cho ngành công nghệ năng lượng tỉnh Ninh Thuận. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Ninh Thuận chính thức hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia. Hơn một năm trước, 3 trụ điện gió đầu tiên của Dự án điện gió Đầm Nại giai đoạn 1 đã được đưa vào hoạt động thương mại. Hiện giai đoạn 2 của dự án cũng đã hoàn thành với 15 tuabin gió được vận hành ổn định… Đây là dự án điện gió đầu tiên đi vào hoạt động tại Ninh Thuận. Với công nghệ tuabin tiên tiến không hộp số, Dự án Điện gió Mũi Dinh với 16 trụ điện gió cũng vừa hoàn thành, đang trong giai đoạn chạy thử chờ đấu nối hòa lưới điện quốc gia.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng, trải rộng trên 8.000 ha, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, bảo đảm ổn định cho turbine gió phát điện.
Lợi thế của điện gió là không chiếm nhiều diện tích về đất đai, tạo cảnh quan hấp dẫn người dân và du khách, cung cấp nguồn năng lượng sạch phù hợp với xu thế phát triển ổn định lâu dài, góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Dưới những công trình điện gió, người dân vẫn có thể sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp hoặc làm các dịch vụ du lịch phục vụ khách tới thăm quan trải nghiệm trên dọc tuyến đường ven biển này.
Ngày 19/2/2019, tỉnh Ninh Thuận đã có cuộc họp về phương án giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời khu vực Nhị Hà. Chủ trì cuộc họp, ông Phạm Văn Hậu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Các dự án năng lượng tái tạo sẽ khai thác tối đa giá trị đất, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn điện năng, mà còn tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân vùng dự án cũng như kinh tế địa phương và khu vực. Tỉnh Ninh Thuận đặc biệt chú trọng các dự án đầu tư nghiên cứu hiện đại hóa công nghiệp điện; đồng thời, khuyến khích đầu tư tận dụng tối đa giá trị đất đai dưới những công trình này để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch với những sản phẩm đặc thù, tạo sự hài hòa trong phát triển tổng thể.
“Chúng tôi coi đây là lĩnh vực đột phá hàng đầu để tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, biến những bất lợi trở thành lợi thế phát triển bền vững” - ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã được triển khai xây dựng, với cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2019.
|
Theo Quỳnh Mỹ